13 món ăn ngon không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp

Đồng Tháp là một vùng đất trù phú với nhiều sản vật thiên nhiên. Với qua bàn tay khéo léo và sáng tạo, những người dân nơi đây đã tạo nên nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, níu chân du khách phương xa. Khi du lịch tại Đồng Tháp còn gì thú vị hơn với một không gian vùng quê yên tĩnh, thanh bình nghe một câu hò Đồng Tháp, cùng nhâm nhi chén trà, chén rượu, và thưởng thức những món ngon do chính những người dân nơi đây trổ tài chế biến. Cùng ngonngon điểm qua một số món ăn ngon không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp nhé.

Lẩu cá linh bông điên điển

Lẩu cá linh bông điên điển

Đến với Đồng Tháp đặc biệt vào những mùa nước nổi khoảng cuối tháng 8 đến tháng 11, vào thời điểm này có một loại cá đặc biệt, ngon bổ dưỡng theo con nước về rất nhiều đó chính là “cá Linh”. Mùa nước lên bên cạnh nguồn lợi cá Linh, còn có một loại hoa đồng quê đặc biệt đó chính là bông điên điển. Cá Linh và bông điên điển kết hợp với nhau tạo ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, có thể kể đến là món lẩu cá linh bông điên điển một món ăn mà bạn nhất định không được bỏ qua khi đến Đồng Tháp

Nguyên liệu dùng để tạo nên món lẩu cá linh bông điên điển thì chắc chắn phải có nguyên liệu chính là: cá Linh (cần phải lựa chọn cá Linh trắng, mập còn tươi sống, và còn nhỏ lúc đó xương con cá chưa quá cứng), bông điên điển, lá me non, các gia vị kèm theo (muối, đường, bột ngọt). Món lẩu cá Linh bông điên điển được chế biến khá đơn giản, nhưng cũng rất cần sự tinh tế, khéo léo của người chế biến. Trước tiên làm sạch cá Linh, bông điên điển, sau đó rửa lá me sạch vò nhẹ, cho lá me vào nước lẩu, nêm gia vị vừa ăn.Khi nước lẩu sôi thì lần lượt cho cá Linh và bông điên điển vào. Đợi khi cá chín thì ăn kèm với bún, chấm một ít nước mắm trong kèm vài lát ớt. Đây là một món ăn có sự kết hợp hài hòa, khéo léo giữa hương vị ngọt thanh, nhiều chất dinh dưỡng với bông Điên Điển vàng tươi, giòn, hương vị tự nhiên đồng quê. Đây chắc chắn là một món ăn lưu giữ lòng người khi đến với Đồng Tháp.

Cá lóc nướng cuốn lá sen

Cá lóc nướng cuốn lá sen

Cá lóc nướng là một món ăn dân dã phổ biến và quen thuộc ở các tỉnh sông nước miền Tây. Tuy nhiên, món ăn này được chế biến khá ngon và đang trở thành món ăn đặc sản không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp. Cá lóc tươi sau khi được bắt lên làm sạch, nướng trên than hồng, được người đầu bếp canh lửa để trở cá sao cho không bị khét và chín đều tất cả các mặt cá vàng ươm.

Cá sau khi nướng hãy còn nóng hổi, được cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới thêm chút mỡ hành. Khác với những nơi khác món cá lóc nướng ở Đồng Tháp khi ăn Cá được ăn cùng với lá sen non, lá sen ở Đồng Tháp thì không khó kiếm, lá sen được xem là một loại rau sạch, khi lá vừa nhô lên mặt nước, hai mép còn cuốn tròn vào giữa, người ta cứ hái lấy về để ăn cùng cá lóc nướng. Cá nướng khi ăn chấm với nước mắm me, được chế biến từ mắm cá linh và me chín, nêm thêm gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị vừa vặn, thơm lừng. Khi ăn chỉ cần gấp một miếng cá để vào lá sen non, cuốn cùng với khế chua, rau sống, chấm vào chén nước mắm me chua ngọt các bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá hòa cùng với vị bùi bùi của đậu phộng, béo ngậy của mỡ hành, tươi mát của rau thơm, vị chát của lá sen, càng ăn càng thấy hấp dẫn.

Chuột quay lu

Chuột quay lu Đồng Tháp

Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Đồng Tháp, chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh. Nhắc đến chuột có lẽ nhiều thực khách sẽ cảm thấy sợ và không dám thử món này. Nhưng ở Đồng Tháp thịt chuột được xem là đặc sản của bà con nơi đây và được ưu ái gọi với cái tên đặc biệt: “nai đồng quê”. Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau như: xào lăn, xé phay, nướng, xối mỡ, quay lu… Mỗi món đều mang hương vị riêng, thơm ngon, bổ dưỡng. Nhưng ngon nhất vẫn là món chuột quay lu với những con chuột đồng béo mập được bà con bắt được sau mùa gặt.

Chuột đồng sau khi được làm sạch thì sẽ đem tẩm ướp gia vị để một đến hai giờ cho thấm đều, sau đó móc từng con vào móc kim loại và treo vào lu sành, vừa quay vừa trở tay cho da giòn, nêm thêm nước gia vị đã pha chế sẵn, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Chuột khi ăn sẽ ăn cùng với muối tiêu chanh, rau răm, chuối xanh, cà chua và dưa leo, hương vị thơm ngon vô cùng. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Đồng Tháp không thể bỏ qua.

xem thêm  10 Món ăn ngon nhất làm nên đặc trưng ẩm thực của Singapore

Cơm gói lá sen

Cơm gói lá sen món ngon không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp

Thêm một món ăn đặc sản không thể không nếm thử khi du lịch Đồng Tháp là cơm gói lá sen. Cơm gói lá sen là một món ăn dân dã của người Đồng Tháp, từ một món ăn thân quen giờ đây món ăn này đã trở thành đặc sản. Món cơm gói lá sen được hình thành từ những nguyên liệu địa phương như quà của đất trời, mang hương đồng gió nội khiến ai cũng mong muốn được thưởng thức khi nghe đến tên.

Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ) một loại gạo đặc biệt chỉ trồng được ở vùng Đồng Tháp Mười, hạt sen được lột sạch thêm muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, mở lá sen ra, bạn sẽ thấy hạt sen màu trắng, muối mè màu đen nổi bật trên nền cơm đỏ, rất bắt bắt. Không chỉ vậy, cơm lại nhất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi và thơm mùi sen. Bên cạnh đó còn một biến tấu của cơm gói là sen nữa đó chính là món cơm rang hạt sen, cơm được đem rang cùng thịt, lạp xường, hạt sen, hạt đậu hà lan, cà rốt, trứng… sau đó bó trong lá và đem ủ nóng, khi nào khách ăn thì sẽ bỏ ra. Vị ngon đậm đà của cơm rang cùng các loại nguyên liệu kết hợp với hương thơm của lá sẽ sẽ làm bạn nhớ mãi không quên món ăn tuyệt vời này. Nếu có dịp về mảnh đất Đồng Tháp, bên cạnh những đặc sản như nem Lai Vung, quýt hồng,…thì bạn cũng đừng quên thưởng thức món cơm gói lá sen giản dị mà ngọt lành này nhé!

Ốc treo giàn bếp

Ốc lác treo giàn bếp

Món ngon tiếp theo không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp phải kể đến là món Ốc treo giàn bếp, để có những con ốc treo giàn bếp ngon thì người làm phải lựa lấy những con ốc loại to, mình ốc màu xám và theo kinh nghiệm thì cứ chọn ốc lác là ngon nhất. Con ốc sau khi bắt được bất kể mùa nào đều được đem về rửa sạch, đựng trong những chiếc giỏ đan bằng tre rồi treo chỗ cao trên giàn bếp. Loại ốc này treo giàn bếp 4-5 tháng mà chúng vẫn sống tốt, mập ra, béo ngậy lên do hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc ngửi khói xông lên là đúng món đặc sản khoái khẩu của người dân chốn vùng quê này.

Khi chế biến món ăn người ta lựa những con Ốc lác treo giàn bếp to, sau khi rửa sạch hết bụi bặm, sắp ốc vào một nắp khạp có chứa sẵn nước quậy trứng gà cho ốc uống; những con ốc nghe có nước bắt đầu cục cựa, há miệng, quơ râu uống nước, khoảng 20 phút khi ốc đã uống hết nước, ta bắt từng con vạt đít, cho vào nồi có sẵn một lớp sả, chút muối và đổ thêm ít nước, đun chừng mười phút thì sôi, các con ốc đã há miệng. Bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại bếp độ vài phút là ốc chín.

Những con ốc sau khi chín đã trốc mày, mề ốc vàng, mình ốc trắng tươi như bông bưởi nhìn thật bắt mắt. Nêm tí nước mắm sả ớt, nặn thêm chút chanh rồi nhanh tay bưng húp nhẹ miếng nước ốc, ngọt vô cùng. Mình ốc mềm mụp, chấm vào nước mắm sả ớt thật ngon tuyệt, thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, mới cảm nhận hết được thịt ốc vừa mềm vừa mập, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.

Nem Lai Vung

Nem Lai Vung

Lai Vung là một vùng quê nổi tiếng ở Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với Quýt Hồng, mà còn nổi tiếng với làng nghề làm nem Lai Vung hình thành từ hơn 60 năm nay, với những chiếc nem thơm ngon khó cưỡng, từ lâu đã trở thành món ngon không thể bỏ qua hấp dẫn thực khách khi đến Đồng Tháp bởi bí quyết làm nem truyền thống.

Nem Lai Vung làm từ thịt heo quết nhuyễn, bì heo cùng các gia vị như tiêu, ớt, tỏi sau đó trộn tất cả cho vừa ăn, lót bằng loại lá vông đặc trưng, rồi gói bằng lá chuối tươi để từ 3 đến 4 ngày cho lên men ở nhiệt độ khoảng 27 đến 30 độ C. Nem khi chín tới thỏa mãn thực khách ở thị giác, khứu giác và vị giác. Lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi tắn nhờ có lá vông và ớt điểm xuyết. Nem khi ăn có vị ngọt ngọt của thịt, chua chua lạ miệng nhờ thính, cay mặn ngọt nhờ gia vị. Và một mùi thơm đặc trưng của nem, giòn giòn sần sật của thịt bì trộn lẫn. Nem có thể giữ trong một tuần, ăn không chấm tương ớt hoặc ăn kèm với bún các loại rau thơm..ngoài ra có thể đem chiên lên, hoặc nướng trên vỉ than rồi ăn kèm với bún, rau thơm, chấm nước mắm pha chua ngọt thì càng đậm đà, hấp dẫn hơn.

xem thêm  12 Đặc sản của quê hương Phú Thọ nhất định phải thử 1 lần

Hủ tíu Sa Đéc

Hủ tiếu khô súp xương ống

Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến. Có thể bạn đã ăn món này ở rất nhiều nơi, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua nó khi đến Đồng Tháp. Nói đến hủ tiếu ngon ở Đồng Tháp người ta sẽ nghĩ tới ngay hủ tiếu Sa Đéc.

Với làng nghề làm bột nổi tiếng lâu đời, tạo ra những sợi hủ tiếu dai ngon nức tiếng một vùng, đã đến Sa Đéc mà không ăn hue tiếu thì quả là một điều tiếc nuối cho các thực khách. Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy do được hầm từ xương trong nhiều giờ kèm với tôm, mực khô, củ cải trắng. Khi có khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào giá trụng vào nước sôi cho chín sau đó cho vào tô đảo điều cọng hủ tiếu, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào, sau đó rắc thêm chút tiêu xoay và hành phi tất cả hòa quyện tạo nên mùi hương khó cưỡng lại được.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giá, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, bạn chỉ cần cho một ít xì dầu, vắt một lát chanh thêm xíu ớt ngâm sau đó trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc

Bánh phồng tôm Sa Giang

Bánh phồng tôm thường được ăn kèm với gỏi.

Bánh phồng tôm Sa Giang một món ngon gắn liền với Đồng Tháp đặc biệt là vùng đất Sa Đéc, từ lâu bánh phồng tôm Sa Giang đã nổi tiếng trên khắp cả nước với thương hiệu lâu đời. Bánh phồng tôm Sa Giang đựơc chế biến từ thịt tôm xoay nhuyễn cùng gia vị và tiêu xoay, các nguyên liệu sau đó được trộn đều với nhau, rồi nhồi vào những chiếc túi dạng ống dài, sau khi hấp chín bánh thì cắt ra thành từng lát tròn mỏng và đem phơi khô. Bánh có màu vàng gạch nhạt của thịt tôm xay nhuyễn, trông rất hấp dẫn và bắt mắt. Ngoài bánh phồng tôm ra hiện nay Sa Giang còn sản xuất các loại bánh phồng mực, phồng cua…..

Bánh phồng tôm khi ăn có nhiều cách chế biến như nứơng, chiên, nấu súp, nhưng thường được chiên lên ăn cùng các món gỏi, xào hoặc ăn chơi. Khi ăn bánh phồng tôm được chiên trong chảo ngập dầu và chiên từng cái một. Khi thả vào, dùng đũa ấn bánh xuống mặt đáy chảo rồi thả cho bánh nổi lên. Khi chiên, nhớ trở bánh qua, lại thì bánh mới phồng. Lửa quá lớn bánh sẽ bị cháy và lửa quá nhỏ bánh sẽ bị chai. Khi chiên thấy bánh chuyển màu ngà thì vớt ra. Những chiếc bánh phồng tôm nở to thật giòn, thật xốp, béo ngậy, thơm mùi tôm và đặc biệt có vị cay nồng của tiêu bột, béo béo nhưng không ngậy, khiến thực khách ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc nữa.

Bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo là món ăn quen thuộc của cả miền Trung và miền Nam, nhưng có một điểm khác biệt và cũng là điểm tạo nên sự nổi bật của từng loại bánh xèo ở từng địa phương, đó là cách chế biến đặc trưng của từng nơi. Với bánh xèo Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng vậy – một trong những món nổi bật nhất tại Tây Nam Bộ. Bánh xèo Cao Lãnh được chế biến bởi loại bánh làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi, mà trên hết là bánh với nhân từ thịt vịt.

Bánh xèo thịt vịt được xem là đặc trưng của Cao Lãnh. Vịt làm sạch, lóc bỏ bớt các xương to, còn chừa xương nhỏ, bằm nhuyễn cả con. Thay vì cho thịt heo và tôm làm nhân, bánh xèo thịt vịt chỉ dùng thịt vịt kèm củ sắn và giá. Điều thú vị nhất của món này là thực khách sẽ có cảm giác cái giòn giòn lợn cợn của xương vịt khi nhai. Kể đến món bánh xèo này mà thiếu nước mắm chua ngọt và đồ chua làm từ củ cải trắng, cà rốt thì quả thật là sai sót vì đây được xem là linh hồn của món ăn. Quán nào mà nước mắm không ngon, quả thật quán đó chắc sẽ không được nhiều khách ghé đến lắm đâu.

Bên cạnh nước mắm, điều khiến món bánh xèo trở nên hấp dẫn và cũng là thành phần không thể thiếu đối với món bánh xèo đó chính là rau. Tại khu bánh xèo Cao Lãnh nổi tiếng trên đường Lê Duẩn (TP Cao Lãnh), ngoài xà lách, rau quế, húng cây, diếp cá, thì đọt bằng lăng, lá cát lồi (trị đau khớp), lá lốt, lá cách hái từ vườn cũng là một trong những loại rau giúp làm tăng thêm tính hấp dẫn và giúp người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.

xem thêm  10 Quán ăn ngon nhất tại Đà Nẵng cho tín đồ ẩm thực

Lẩu mắm Đồng Tháp

Lẩu mắm Đồng Tháp

Đồng Tháp – nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật vô cùng giá trị, chính vì thế mà người dân nơi đây đã sáng tạo, chế biến nhiều món ăn mang hương vị đặc trưng say đắm lòng du khách mỗi khi có dịp đến Đồng Tháp. Một trong những món ăn tuyệt vời đó chính món lẩu mắm. Nếu có dịp ghé thăm Đồng Tháp, nhất định hãy thử món lẩu mắm trứ danh này một lần bạn nhé!

Để có được một nồi lẩu mắm đúng chất Đồng Tháp, khâu chuẩn bị mất khá nhiều thời gian. Trước tiên là các loại rau nhúng lẩu, món lẩu mắm càng nhiều rau càng hấp dẫn. Ngó sen, bông súng, rau nhút, hẹ, cải thảo, cải xanh, rau muống, rau ngổ, cần đước, đậu rồng, tai tượng, tần ô, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển, giá, hoa chuối… để nhúng khi lẩu vừa sôi. Nguyên liệu chính của món lẩu mắm chính là mắm. Có nhiều loại mắm như mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc, mắm chốt nhưng nổi trội hơn cả là mắm cá linh. Cùng với đó, để nồi lẩu thêm đậm đà ngon ngọt cần có thịt ba chỉ (ba rọi), nước xương hầm.

Khi ăn lẩu, tùy theo sở thích mỗi người, có thể trụng rau sống vào nồi để rau vừa chín tới hoặc ngắt từng nhúm rau vào bát sau đó chan nước lẩu kèm thêm thịt ba rọi, một miếng cá, vài lát ớt, kèm chút bún và nhâm nhi với vài ly rượu. Vị ngòn ngọt, mằn mặn thơm ngậy của mắm, cộng với béo ngọt của thịt, cá tươi, rồi thêm nữa là vị thơm lừng của bông điên điển, đắng nhẹ của tai tượng, vị ngọt giòn cùa rau nhút, thanh mát của bông súng đồng, vị cay nồng và thơm ngát của rượu sen… sẽ đánh thức các vị giác của du khách khi thưởng thức.

Vịt nướng Sa Đéc

Vịt nướng Sa Đéc

Vịt nướng Sa Đéc là món ăn ngon thu hút không chỉ khách địa phương mà còn cả những du khách ở các tỉnh thành khác. Vịt nướng Sa Đéc với những miếng thịt nướng béo, mềm, thơm ngất ngây khiến bất cứ ai cũng khó lòng cưỡng lại. Những con vịt nướng vàng ươm, da vịt căng, có màu vàng cánh gián, dưới lớp da giòn không có mỡ. Khi ăn, thực khách chấm với tương xốt đặc biệt làm tan chảy vị giác.

Vịt nướng là món ăn ngon, thường có mặt trong các bữa tiệc, họp mặt gia đình, bạn bè… Món ăn này hẳn sẽ không còn xa lạ đối với du khách gần xa, bởi nơi đâu cũng có thể dễ dàng tìm được quán vịt nướng thơm ngon để thưởng thức. Điểm độc đáo để làm nên thương hiệu vịt nướng Sa Đéc là nhờ vào cách chế biến độc đáo của những người đầu bếp địa phương.

Vịt nướng Sa Đéc

Sẽ thật tuyệt vời nếu du khách ghé thăm Đồng Tháp vào mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 11 (thời điểm này có thể thay đổi hàng năm) để thưởng thức đặc sản vịt nướng Sa Đéc. Du khách có thể nhâm nhi vị béo ngậy, giòn tan trong miệng của những miếng thịt vịt hấp dẫn cùng với nước chấm tương xốt đặc biệt và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hữu tình vùng sông nước miền Tây vào mùa nước nổi.

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đông Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.

Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi. Món ngon đặc sản Đồng Tháp này có tính lành và mát, dễ ăn mà vô cùng đậm đà.

Tắc kè xào lăn

Tắc kè xào lăn

Đến với Đồng Tháp bạn còn được thưởng thức một món ăn vô cùng lạ mắt nhưng không kém phần thơm ngon và hấp dẫn đó là món Tắc kè xào lăn. Món thịt tắc kè xào lăn có vị ngon lạ lùng, vị béo ngậy, thơm ngọt. Đặc biệt, phần đuôi tắc kè là nơi tập trung nhiều mỡ và sụn rất ngon và không nên bị bỏ qua. Thịt tắc kè còn có tác dụng rất tốt giúp bồi bổ cho lục phủ, ngũ tạng. Đặc biệt, nếu có thêm rượu đế nhâm nhi thì không còn gì tuyệt bằng.

Tắc kè được tiến hành ướp gia vị rồi cho vào chảo, phi thơm cùng với tỏi, xào cho đến khi thịt săn lại. Để món tắc kè xào lăn đậm đà, thơm ngon hơn, người nấu có thể cho thêm nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt dừa.